Hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm thực thi quyền con người

LTS: Tại cuộc Tọa đàm với chủ đề “Bảo đảm và thúc đẩy quyền con người theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ tổ chức ngày 9-12-2013, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu đã tham luận về  các nội dung hiến định về quyền con người trong Hiến pháp và các giải pháp nhanh chóng đưa Hiến pháp vào cuộc sống. Từ số báo này, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu một số ý kiến tham luận tại cuộc tọa đàm nói trên.

Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.

PGS, TS Hoàng Thế Liên
Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp

Các quyền con người trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã bao quát hầu hết các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Hiến pháp đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, Hiến pháp cũng đã bổ sung một số quyền mới. Đó là thành tựu của gần 30 năm đổi mới đất nước, thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân.

Không chỉ hướng tới mục tiêu đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập của đất nước, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phù hợp với nguyện vọng của nhân dân cả nước, khắc phục được những hạn chế, bất cập của Hiến pháp hiện hành trong các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo nhân dân trong quá trình lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Như vậy, sau 21 năm, từ Hiến pháp năm 1992, đất nước ta có bản Hiến pháp của thời kỳ hội nhập, thời kỳ đổi mới, Hiến pháp của một đất nước ngày càng phát triển, dân chủ, văn minh.

Để Hiến pháp đi vào cuộc sống, vấn đề bức thiết đặt ra là sớm nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là đối với các quy định về quyền con người, quyền công dân, vì các quy định này liên quan đến rất nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau và để thực hiện cần được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật từ Trung ương xuống địa phương. Ngay cả các quy định trong Hiến pháp năm 1992 về quyền, nghĩa vụ công dân cho đến nay cũng chưa hẳn đã được luật hóa hết. Nay, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, các quy định kế thừa mà chưa có luật cụ thể hóa cũng cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Để hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, cần triển khai đồng bộ nhiều công việc, trong đó phải kể đến những công việc chính sau:

Thứ nhất, cần khẩn trương tiến hành tổng rà soát hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền công dân. Lĩnh vực quyền con người, quyền công dân liên quan đến toàn bộ hệ thống pháp luật, không chỉ nằm trong các văn bản quy phạm pháp luật ở cấp Trung ương, mà còn cả trong các văn bản pháp luật cấp địa phương. Do đó, phạm vi rà soát cần được tiến hành đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương. Nội dung rà soát trước hết cần bảo đảm nguyên tắc mới của Hiến pháp. Theo đó, quyền con người chỉ bị hạn chế bởi luật do Quốc hội ban hành, còn văn bản dưới luật chỉ là quy định về trình tự, thủ tục để thực hiện các quyền đó. Đồng thời, việc rà soát cũng phải chỉ rõ đối với các quyền đã được ghi nhận trong Hiến pháp thì hệ thống pháp luật đã có đầy đủ quy định để bảo vệ và bảo đảm thực thi hay chưa.

Thứ hai, trên cơ sở kết quả rà soát, cần khẩn trương xây dựng chương trình xây dựng pháp luật nhằm bảo đảm thực thi Hiến pháp. Cho đến nay, có thể thấy rằng, còn có một số quyền đã được ghi nhận trong Hiến pháp nhưng vẫn thiếu các quy định pháp luật để bảo đảm thực thi, chẳng hạn như quyền biểu tình, lập hội, trưng cầu dân ý…

Bên cạnh đó, một vấn đề cũng hết sức quan trọng là bảo đảm nâng cao khả năng tiếp cận quyền của người dân. Hiến pháp, pháp luật đã ghi nhận các quyền cơ bản của con người, của công dân. Tuy nhiên, khả năng người dân có thể tiếp cận, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền của mình phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau cũng như phụ thuộc vào mức độ hiểu biết, cơ chế, thủ tục bảo đảm thực thi các quyền. Vấn đề này đặt ra trách nhiệm đối với các cơ quan nhà nước, từ việc phổ biến, tuyên truyền các nội dung mới của Hiến pháp liên quan đến các quy định mới về quyền con người, quyền công dân, đến việc hoàn thiện pháp luật và thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy để bảo đảm thực thi.

Bộ Tư pháp đang chuẩn bị tham mưu cho Chính phủ xây dựng và ban hành chương trình hành động thực hiện Hiến pháp; đề xuất hệ thống văn bản pháp luật để bổ sung, sửa đổi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII. Bộ Tư pháp cũng sẽ so sánh pháp luật Việt Nam với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm sự tương thích. Vấn đề gì đã quy định rồi thì bảo đảm thực thi, vấn đề gì chưa có quy định thì đưa ra trong các văn bản quy phạm pháp luật mới.

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp dự kiến sẽ xây dựng hệ cơ sở dữ liệu pháp luật chuyên về quyền con người, quyền công dân. Việc ra đời hệ cơ sở dữ liệu này cũng sẽ là một trong những công việc nhằm nâng cao khả năng tiếp cận quyền của người dân, bảo đảm người dân được tạo điều kiện thuận lợi nhằm thụ hưởng những quyền và lợi ích chính đáng của mình đã được Hiến pháp và pháp luật quy định.

MINH THẮNG (lược ghi)

Nguồn: qdnd.vn
Vkyno (st)